Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vốn ngoại tiếp tục xu hướng tăng



Công nghiệp… lên ngôi

Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 7 tháng đầu năm 2013, Việt Nam thu hút được 11,91 tỷ USD vốn FDI (bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm), tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 6,92 tỷ USD, tăng 10% và tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,99 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ. Dòng vốn giải ngân trong 7 tháng đầu năm 2013 đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là lĩnh vực “hút” vốn FDI mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm 2013, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 10,44 tỷ USD, chiếm 87,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; kinh doanh bất động sản đứng thứ 2, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 580,77 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa đứng thứ 3, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 230,98 triệu USD.

Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô), 7 tháng đầu năm 2013 dự kiến đạt 48,242 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ và chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 43,962 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ 2012, chiếm 60,43% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu khu vực FDI 7 tháng đầu năm đạt 41,329 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 7 tháng đầu năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 6,9 tỷ USD, trong khi Việt Nam nhập siêu 733 triệu USD.

Nhật Bản vẫn… dẫn đầu

Đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại 50/63 tỉnh, thành của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 2, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 3,73 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đầu tư; Liên bang Nga đứng vị trí thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 1,015 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho rằng, dòng vốn FDI Nhật Bản vào Việt Nam có nhiều khả năng tăng mạnh, nhất là sau thành công của 4 giai đoạn Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện nhiều, Nhật Bản và Việt Nam cũng đã tìm được “tiếng nói chung” trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Bên cạnh những đối tác truyền thống đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… hiện đang có rất nhiều những đối tác khác cũng đang quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến các quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… Đây là cơ sở quan trọng giúp dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng trong giai đoạn tới./.

4 dự án FDI “tỷ đô”được cấp phép tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2013, bao gồm: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Bình Định; Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD.

Nguyễn Hòa

4 dự án FDI “tỷ đô”được cấp phép tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2013, bao gồm: Dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) của nhà đầu tư Nhật Bản, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD; dự án Công ty TNHH Bus Industrial Center của nhà đầu tư Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Bình Định; Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, điều chỉnh tăng vốn thêm 1 tỷ USD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét